Bốn Giai đoạn Phát triển là bộ khung tổng thể mà dựa theo đó bà Maria Montessori xây dựng nên hiểu biết của mình về tâm lý học phát triển. Học thuyết này bao trùm sự phát triển của con người từ khi sinh ra đến khi 24 tuổi. Tôi mô tả bộ khung này là “tổng thể” bởi vì nó xét đến tất cả mọi mặt của sự phát triển của trẻ – học thuật, tinh thần, đạo đức và cảm xúc.

 

Khi sinh ra, trẻ đến với thế giới này với đầy những tiềm năng và triển vọng. Những khả năng mà trẻ và cuộc đời trẻ sẽ trở thành là vô hạn. Chúng ta không có cách nào biết được tiềm năng của trẻ là gì và bao lớn. Tất cả những gì mà chúng ta, cha mẹ và người làm giáo dục, có thể làm chính là hỗ trợ trẻ trên hành trình tạo lập nên chính mình đầy thử thách. Nhiệm vụ này thật sự không dễ dàng!

 

Nền giáo dục truyền thống cho rằng sự phát triển đi theo một đường thẳng: mỗi năm bạn học thêm được nhiều điều và gộp vào những gì bạn đã học được trước đó, cho đến khi bạn trưởng thành và biết được mọi thứ có thể biết.

 

Bà Montessori đã không thấy như vậy. Bà nhận ra rằng sự phát triển của con người không theo một đường thẳng hoàn hảo. Thật ra, việc học hỏi của con người xảy ra theo các chu kỳ theo như biểu đồ đính kèm.

 

Đường thẳng nằm ngang hiển thị độ tuổi của trẻ. Đường tạo nên các hình tam giác là đường hiển thị cho sự tiến bộ và sự giật lùi. Sự phát triển sẽ diễn ra mãnh liệt vào thời gian đầu của một giai đoạn, đạt đỉnh, và giảm dần chuẩn bị cho sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới.

 

Giai đoạn phát triển đầu tiên: Sơ sinh đến 6 tuổi

 

Đây được chứng minh là thời gian quan trọng nhất của sự phát triển của một đứa trẻ, bởi vì giai đoạn này trẻ đang tạo ra bản thân cái tôi của trẻ. Tính cách, hành vi, sở thích…, nền tảng cho tất cả những điều này được tạo lập trong giai đoạn 0-6 tuổi. Và như thể chưa đủ khó khăn và choáng ngợp, trẻ còn phải học cách kiểm soát và tổ chức bản thân mình về mặt thể chất: chỉ trong giai đoạn này trẻ học nói, học đọc, học bò rồi học đi. Khi nhìn thấy con bạn từ góc độ này, bạn còn có thể trách con là chỉ nghĩ đến mình mình thôi không?

 

Ở độ tuổi này, trẻ thấm thẩu thế giới xung quanh mình bằng “trí tuệ thẩm thấu”. Từ sơ sinh đến 3 tuổi, đứa trẻ hấp thụ mọi thứ có trong thế giới của mình mà không cần chút cố gắng nào giống như những miếng bọt biển. Và ở giai đoạn 0-3 trí tuệ thẩm thấu của trẻ là không có ý thức.

 

Ở giai đoạn nhánh thứ hai từ 3-6 tuổi, sự thẩm thấu này trở nên có ý thức. Trong cả hai giai đoạn nhánh này, nhiệm vụ học tập vô cùng to lớn của trẻ được làm cho “dễ thở” hơn nhờ vào các thời kỳ nhạy cảm.

 

Thời kỳ nhạy cảm là các “cửa sổ thời gian” – các khoảng thời gian nhất định – mà trong đó, trẻ có động lực thúc đẩy từ bên trong để thành thạo một kỹ năng nào đó, và nếu được cho phép và tạo điều kiện thuận lợi, trẻ sẽ phát triển kỹ năng đó một cách dễ dàng và tự nhiên hơn so với bất kỳ khoảng thời gian nào khác trong cuộc đời. Trẻ trải qua các thời kỳ nhạy cảm với trật tự, với ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, toán, vận động và nhiều thứ nữa.

 

Trước khi giai đoạn phát triển đầu tiên kết thúc, những thời kỳ nhạy cảm được hoàn tất và đứa trẻ sẽ sẵn sàng cho giai đoạn thứ hai được xây dựng trên những gì trẻ đã thực hành trong giai đoạn một.

 

Giai đoạn phát triển thứ hai: 6-12 tuổi

 

Trong giai đoạn này, trẻ kiến tạo trí thông minh, và quan trọng hơn cả, là lương tri. Trật tự vật lý là cực kỳ quan trọng với trẻ nhỏ, và bây giờ khi nhu cầu đó đã được đáp ứng trong giai đoạn phát triển đầu tiên, trẻ lớn có nhu cầu tìm kiếm trật tự về mặt đạo đức, hay cảm nhận về đúng và sai.

 

Trẻ em học tốt nhất bằng việc quan sát người lớn quanh mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh đến việc làm mẫu hành vi mà chúng tôi mong muốn được nhìn thấy diễn ra trong lớp học của mình. Nếu chúng tôi muốn trẻ đi bộ trong lớp, chúng tôi đi bộ. Nếu chúng tôi muốn trẻ nói giọng vừa đủ nghe trong lớp, chúng tôi nói giọng vừa đủ nghe. Điều này vẫn đúng với giai đoạn 0-6 tuổi. Và đến giai đoạn này, trẻ càng cần phải có những hình mẫu đạo đức vững chắc trong cuộc sống. Trẻ cần phải thấy những người sống chính trực và giữ vững lập trường với những gì mà họ tin tưởng. Và cái lương tri đạo đức mà trẻ xây dựng được trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ vượt qua những năm tháng rối ren phức tạp của tuổi dậy thì ở giai đoạn phát triển tiếp theo.

 

Việc phát triển lương tri này sẽ thúc giục trẻ muốn giúp đỡ khi trẻ thấy điều không công bằng trong cuộc sống. Trẻ muốn được chỉ cho những cách trẻ có thể làm để giúp đỡ! Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để giới thiệu với trẻ về việc làm tình nguyện, tham gia từ thiện… bất cứ điều gì thực tế mà trẻ có thể làm để hỗ trợ một lý tưởng nào đó mà trẻ đam mê.

 

Ở hai giai đoạn phát triển đầu tiên, trẻ muốn nói rằng “Hãy giúp để con tự làm.” Và ở hai giai đoạn tiếp theo ta có thể tóm gọn lại rằng “Hãy giúp để con tự suy nghĩ.” Nhưng sợi dây gắn kết, chìa khóa của tất cả các giai đoạn phát triển chính là nhu cầu được tự lập của trẻ.

 

Giai đoạn phát triển thứ ba: 12-18 tuổi

 

Và rồi cũng đến những “tháng năm rực rỡ” ấy (kinh hoàng, đôi khi): giai đoạn vị thành niên! Theo bà Montessori, đây là khoảng thời gian rất quan trọng mà trẻ sẽ làm việc cật lực để kiến tạo nên cái tôi xã hội (social self) của mình.

 

Nói cách khác, trẻ tách biệt bản thân ra khỏi cha mẹ mình, về mặt tinh thần và thể chất, và cần được cho thấy rằng trẻ có thể tham gia và có quyền kiểm soát phần nào cuộc sống của mình. Nếu mọi việc ở giai đoạn thứ hai diễn ra tốt đẹp, đứa trẻ vị thành niên bây giờ hẳn sẽ có một lương tri đạo đức vững chắc để cậy vào những khi cần phải ra những quyết định lựa chọn khó khăn.

 

Giai đoạn phát triển thứ tư: 18-24 tuổi

 

Trong giai đoạn này, một người lớn mới toanh đang trong công cuộc xây dựng sự hiểu biết về chính bản thân mình. Người lớn này luôn đặt câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi có gì để trao cho đời?” Con người này sẽ dần nhận ra rằng những hiểu biết sâu sắc và ý nghĩa nhất chỉ xảy ra trên hành trình khám phá, thử và sai, và thực hành luyện tập hay nói ngắn gọn là qua những trải nghiệm của chính mình – và cuối cùng sẽ đạt tới sự độc lập về tinh thần và đạo đức.

 

Một tương lai rạng rỡ

 

Nền giáo dục truyền thống có vẻ như tập trung quá nhiều vào cái mà xã hội chúng ta tin rằng chúng ta cần từ trẻ. Điểm thi cử của trẻ sẽ làm chúng ta trông như thế nào? Thành tựu của trẻ sẽ nói gì về chúng ta? (Người dịch: ví dụ như phần trăm trẻ đạt học sinh giỏi sẽ quyết định giáo viên đạt hay không đạt, trẻ phá phách nghĩa là phụ huynh lơ là…). Nhiều cách tiếp cận của giáo dục truyền thống không xem xét đến khía cạnh làm sao chúng ta có thể hỗ trợ trẻ phát triển nhân cách riêng và đạt đến tiềm năng cao nhất mà trẻ có.

 

Ngược lại, giáo dục Montessori khuyến khích sự phát triển của một đứa trẻ toàn vẹn. Trẻ đang đi trên một con đường nhỏ. Học thuyết về các giai đoạn phát triển này đã nhận ra con đường đó và hỗ trợ hành trình của trẻ – hành trình trở thành con người với sự trưởng thành chín chắn, trí tưởng tượng, tình yêu cho học tập, và đạo đức tốt. Nói cách khác, giáo dục Montessori không phải là hỗ trợ trẻ về mặt học thuật mà là hỗ trợ sự phát triển của một con người.

 

Trong cuốn sách “Trí tuệ thẩm thấu” của mình, bà ghi “Trẻ được phú cho những năng lực tiềm tàng không ai biết rõ nhưng sẽ là người dẫn dắt chúng ta tới một tương lai rạng rỡ. Nếu điều chúng ta thật sự muốn là một thế giới mới, thì nền giáo dục phải lấy mục tiêu quan trọng là sự phát triển của những khả năng còn ẩn giấu.”

 

Nguồn: http://www.steppingstonesgr.org/blog/2015/10/27/montessori-philosophy-explained-the-planes-of-development

 

Tác giả: Anne Prowant

 

Dịch bài: Hương Thái – Casa Mia Montessori House of Children

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tại Mầm non Song Ngữ LEGO, chúng tôi tin rằng không có gì quan trọng hơn sự nghiệp phát triển tiền đề giáo dục cho trẻ. Nhiệm vụ của LegoPlayschool là mang tới cho các em học sinh một môi trường giáo dục tôn trọng, an toàn, yêu thương và áp dụng đúng phương pháp nhằm chuẩn bị tốt nền tảng Kiến Thức – Ngôn Ngữ – Kỹ Năng để các con thành công trong tương lai. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp một chương trình giáo dục chất lượng cao từ cấp mầm non đến trung học phổ thông dựa trên các yếu tố phát triển trong giai đoạn vàng của trẻ và giá trị phù hợp của nền giáo dục tiên tiến thế giới.