Sara chuẩn bị đi ngủ trong tâm trạng mệt mỏi và rối trí. Chuyện gì đã xảy ra cả ngày hôm nay vậy? Sáng nay khi thức dậy, cô đã cảm thấy rất tươi tỉnh, sẵn sàng cho một ngày làm việc hiệu quả.

Vào giữa bữa ăn sáng, trợ tá của Sara điện thoại để nhắc cô vẫn chưa copy xong báo cáo cho buổi họp ngày hôm sau. Đến lúc Sara đang copy bài trình bày của mình thì máy in bị cạn mực, kẹt giấy và hết cả băng in. Bữa hẹn ăn trưa của Sara bị báo hủy khi cô đã cất công đến ngồi đợi ở nhà hàng. Ăn trưa xong, cô cần làm vài cuộc nghiên cứu thì không thể lên mạng internet được. Rồi thì cậu đồng nghiệp Ron, bước vào phòng và ngồi càm ràm với cô cả nửa tiếng về kỳ nghỉ cuối tuần của cậu ấy.

VẬY CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI NGÀY LÀM VIỆC CỦA SARA? SARA ĐÃ KHÔNG THỂ HOÀN TẤT MỘT CHU TRÌNH LÀM VIỆC.

Một chu trình làm việc bao gồm lựa chọn hoạt động, thực hiện nó, tự cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được và sau đó sẽ lựa chọn nhiệm vụ kế tiếp.

Khi chúng ta trải nghiệm chu trình “lựa chọn công việc – thực hiện – lặp lại đến trình tự đúng – hài lòng – chọn tiếp công việc”, chúng ta đang tạo ra những chu trình cảm xúc mạnh mẽ với cảm giác đạt đến thành tựu và toại nguyện.

Nếu có được một chu trình công việc hiệu quả, ta nói ta đang “vào guồng”. Ta đi từ nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, lựa chọn những nhiệm vụ tăng dần độ khó nếu thời gian cho phép. Trong những ngày đạt năng suất cao đó, ta cảm thấy không có gì có thể ngăn cản mình.

Rồi có những ngày ta chúng ta hỏng bét trong việc sắp xếp và khởi động bất kì việc gì, bởi vì chúng ta bị gián đoạn, không đủ thời gian để hoàn tất một nhiệm vụ trước khi đến thời hạn cho nhiệm vụ khác, hoặc bị thiếu những nguyên liệu cần thiết để làm. Chỉ cần một chuyến đi mua thiết bị tại cửa hàng phần cứng cũng có thể phá hủy những nỗ lực cao nhất để có được một ngày làm việc hiệu quả!

Hầu hết chúng ta, ngay cả trẻ nhỏ, có một chu trình làm việc ba-giờ liên-tục. Chúng ta có thể đối chiếu và so sánh nó với một chu kỳ ngủ. Khi ta biết ta có ít nhất ba giờ liên tục không bị ngắt quãng, ta sẽ tiếp cận vô số công việc và tận hưởng việc thực hiện chúng. Nếu thời gian chúng ta cứ bị gián đoạn, ta có thể thậm chí còn không thử bắt tay làm điều gì. “Chẳng đáng công để thử,” hoặc “Tôi chẳng muốn làm bất cứ việc gì vào lúc này”, ta có thể nói thế. Những câu nói này nghe quen với bạn không nào?

Khi thường xuyên được dành cho khoảng thời gian ba giờ đồng hồ, trẻ em (và cả người lớn) sẽ học để ngày càng tiến gần đến chu trình thành công. Sau khi đạt được một chuỗi những nhiệm vụ ngắn và quen thuộc trong một khung thời gian 90 phút, trẻ sẽ chọn những nhiệm vụ phức tạp hơn và có ý nghĩa “học tập đúng nghĩa”. Trong thời lượng 90 phút này, có những lúc nghỉ ngơi kéo dài khoảng 10 phút, để sau đó thì một lựa chọn cho công việc mang tính thử thách được đưa ra. Hoạt động mới có thể chiếm từ 60 đến 90 phút.

ĐÂY LÀ VÍ DỤ VỀ MỘT CHU TRÌNH LÀM VIỆC BA GIỜ VÀO BUỔI SÁNG THỨ BẢY CỦA TÔI. KHÔNG VẺ VANG GÌ NHƯNG TÔI ĐÃ VÀO GUỒNG.

  • Vệ sinh bếp, 15 phút.
  • Cho máy giặt hoạt động, 15 phút.
  • Gọi điện thoại để sắp xếp các cuộc hẹn, 20 phút.
  • Hút bụi, 20 phút. Cảm thấy cần phải nghỉ ngơi. Tiếp theo mình nên làm gì?
  • Pha một tách cà phê, 10 phút.
  • Kiểm tra bảng kê tài khoản ngân hàng và thanh toán các hóa đơn, 90 phút.

CÒN ĐÂY LÀ VÍ DỤ CỦA MỘT CHU TRÌNH LÀM VIỆC CỦA MỘT BÉ BỐN TUỔI RƯỠI MÀ GẦN ĐÂY TÔI ĐÃ QUAN SÁT ĐƯỢC.

  • Tranh ghép hình, 10 phút.
  • Xây tháp hình khối, 10 phút.
  • Tưới cây, 20 phút.
  • Quét nhà, 10 phút.
  • Thẻ đếm số, 15 phút.
  • Leo thang vận động, 5 phút.
  • Nói chuyện với bố, 10 phút.
  • Hoàn thành tranh ghép 100 mảnh, 45 phút.
  • Tập thắt dây giày, 45 phút.

Thông thường, khi chúng ta đạt được một chu trình làm việc ba giờ, ta sẽ hăng hái để bắt đầu chu trình kế tiếp. Những người lớn làm việc tốt có từ hai đến bốn chu trình làm việc một ngày. Trẻ em dưới năm tuổi thường có một chu trình làm việc một ngày. Khoảng năm tuổi, trẻ sẽ bắt đầu chu trình làm việc thứ hai nếu được tạo cơ hội.

Với cả trẻ em và người lớn, việc được tôn trọng và bảo vệ thời gian làm việc kéo dài mà không bị gián đoạn sẽ cho chúng ta món quà là cơ hội để kết nối với những chu trình làm việc ba giờ đầy sức mạnh của riêng mình, tạo ra những thành tựu cá nhân trong học tập, khả năng tập trung và sự độc lập.

———–

Tác giả: Maren Schmidt

 

Dịch bởi: Casa mia Montessori

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tại Mầm non Song Ngữ LEGO, chúng tôi tin rằng không có gì quan trọng hơn sự nghiệp phát triển tiền đề giáo dục cho trẻ. Nhiệm vụ của LegoPlayschool là mang tới cho các em học sinh một môi trường giáo dục tôn trọng, an toàn, yêu thương và áp dụng đúng phương pháp nhằm chuẩn bị tốt nền tảng Kiến Thức – Ngôn Ngữ – Kỹ Năng để các con thành công trong tương lai. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp một chương trình giáo dục chất lượng cao từ cấp mầm non đến trung học phổ thông dựa trên các yếu tố phát triển trong giai đoạn vàng của trẻ và giá trị phù hợp của nền giáo dục tiên tiến thế giới.