Hôm nay, chúng tôi muốn kể cho các bạn về một câu chuyện cổ tích có thật.
Chuyện bắt đầu từ ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên của bà Maria Montessori. Thời kì đó đã cách đây 150 năm, xã hội có niềm tin rằng bản chất của trẻ thơ là đầy tiêu cực, với những đặc điểm như: vụng về, phá hoại, nghịch ngợm, bướng bỉnh hoặc mè nheo, tham lam, ích kỉ, dối trá, nhút nhát và kém tự lập… Và vì thế mà trẻ em cần bị giám sát chặt chẽ và luôn cần sự hỗ trợ của người lớn. Về trí tuệ thì tương tự vậy, trẻ luôn luôn chỉ biết hỏi và dường như không thể tự hiểu ra được; trẻ không thể tập trung; trẻ bị gắn cho định kiến là lười biếng và không có khả năng.
Tất cả những ý tưởng cũ xưa kia về đứa trẻ, Montessori là người đã khẳng định chúng không hề thể hiện bản chất tự nhiên của trẻ em, mà đó chỉ là đặc điểm của trẻ đã bị “lệch hướng”. Montessori đã tìm thấy “một đứa trẻ mới” – như cách gọi mà ở thời đó người ta dùng khi nói đến phương pháp của bà, thể hiện một bản chất khác vững chắc và đầy hy vọng. Câu chuyện chúng ta là về cuộc tìm thấy đầy hào hứng này.
Thuở đó bà là một bác sỹ, bà được một tổ chức giao cho việc mở một cơ sở, mà bà đặt tên là Casa dei bambini – “Ngôi nhà trẻ thơ”, đảm nhận việc thu nhận trông coi những đứa trẻ “ngỗ nghịch” của những gia đình nghèo khó, không biết chữ. Những phụ huynh này hằng ngày chật vật đi tìm kiếm công việc để mưu sinh, nên những đứa trẻ chủ yếu là bị bỏ mặc để tự lo cho mình, không hề được chăm lo về mặt giáo dục. Và nói chung thì người địa phương nghĩ rằng chúng thật “vô phương để giáo dục”.
Những gì đã xảy ra tại ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên đó quả thật là kỳ diệu. Nơi đó đã khởi nguồn phương pháp giáo dục Montessori. Tuy nhiên, Maria đã giải thích nhiều lần, rằng bà không phải là người phát minh ra một phương pháp giáo dục gì mới cả, bà chỉ là người quan sát được những “sự thật” mà đứa trẻ đã hiển lộ ra về sự phát triển của trẻ nhỏ; Và không phải bà là người duy nhất đã nhìn thấy, ví dụ Tolstoy cũng đã từng chứng kiến được hiện tượng đó tại ngôi trường của ông ở Nga, nhưng ông cũng như vài người khác, họ chỉ ghi nhận sự việc tuyệt vời khi nó diễn ra, nhưng họ chỉ ngẫu nhiên mà gặp, chứ không có khả năng tạo ra những điều kiện để lặp lại hiện tượng đó. Tolstoy cho đến cuối đời vẫn mong mỏi tìm ra bí ẩn này về sự phát triển của loài người. Maria Montessori cho rằng sự khác biệt so với những người chứng kiến trước đó, đó là bà đã có được “sự chuẩn bị” để có thể đủ nhạy cảm và công cụ nghiên cứu khoa học, nhờ đó nhận ra được điều kiện mà trong đó những tính chất khó tin này của trẻ có thể được hiển lộ và củng cố, hay như một cách nói khác của bà, “điều kiện mà trẻ em được phát triển một cách bình thường theo đúng bản chất của mình”.
Tại ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên này, bà đã nhìn thấy những trẻ em mà trước đó bị cho rằng đần độn và không thể dạy dỗ, lại thể hiện sự say mê và chủ động tự học tập, tự lặp lại một cách “không mệt mỏi” các thao tác được hướng dẫn với các học cụ bà mang đến, cho đến khi thỏa mãn thì bé vui vẻ rời món đồ ra và bắt đầu lại quá trình đầy say mê này với món khác. Bà nhận ra trẻ em làm việc là cho chính sự phát triển một điều gì đó bên trong mình chứ không phải để đáp ứng những mục tiêu nằm đâu đó bên ngoài. Và khi được sống trong điều kiện như vậy, càng ngày trẻ càng thể hiện rõ hơn niềm vui sướng, hạnh phúc khi được làm việc hay còn có thể hiểu là tự học tập như vậy; trẻ trở nên bình tĩnh, tập trung cao; những biểu hiện tiêu cực như sự xấu hổ, sợ hãi, tự ti, … biến mất. Trẻ thông minh hơn, và trẻ mong muốn được giữ gìn mọi thứ trong môi trường một cách đúng trật tự. Sau đó bà bắt đầu triển khai cả ngôn ngữ và toán học và đạt được thành công lớn lần nữa, bởi những đứa trẻ mới 4.5 tuổi đã có thể có đạt đến trình độ của học sinh lớp Hai trong trường tiểu học lúc bấy giờ.
Với bà và cả thế giới, tất cả những điều trên tuy phi thường, nhưng nếu nghĩ rằng trẻ em có thể hấp thụ văn hóa nhân loại thì họ vẫn thấy ý tưởng này có thể chấp nhận được. Điều mà họ thấy dường như khó hơn để mà tưởng tượng tới, chính là việc những đứa trẻ này đã có sự cải thiện về cả sức khỏe, như thể chúng đã được trải qua một đợt điều trị thể chất vậy. Bà đã thừa nhận rằng với nền tảng của một bác sỹ, sự thật đó quả là lạ lẫm nhưng cuối cùng bà cũng phải ghi nhận rằng, khi những nhu cầu tâm lý được đáp ứng đầy đủ, thì sức khỏe thể chất cũng tiến bộ theo. Sự việc này thời đó đã có những hiệu ứng mạnh trong xã hội khi nhiều trường khác theo phương pháp Montessori được mở ra và cũng thu được những kết quả tốt đẹp như vậy, đến nỗi mà các bác sỹ còn giới thiệu các ngôi nhà trẻ thơ Casa dei Bambini như là một loại resort cho sức khỏe của trẻ.
Quả là một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu. Một đứa trẻ nếu được đặt trong một môi trường đáp ứng được những điều kiện cho trẻ sự phát triển bình thường của tạo hóa, thì trẻ sẽ có thể thể hiện ra những đặc điểm của một sự phát triển tốt đẹp toàn diện: trẻ có nhân cách lành mạnh, có trí thông minh cao, tâm trạng bình an hạnh phúc, và sức khỏe thể chất tốt. Là những người lớn, chúng ta còn mong gì hơn nữa cho những đứa trẻ của xã hội mình nào?
Nếu ai đó vẫn còn thấy ngờ vực về điều này, thì việc hình dung một hoàn cảnh tương tự với người lớn sẽ có thể khiến người đó dễ liên hệ hơn: một người trưởng thành được tạo điều kiện đáp ứng được nhu cầu tâm lý, tức là được làm công việc yêu thích, không bị cản trở và điều hướng theo áp lực của thế giới bên ngoài, hẳn họ sẽ làm công việc đó với niềm hạnh phúc, sẽ tự có động lực học hỏi luyện tập để ngày càng am hiểu và khéo léo hơn trong lĩnh vực của mình, họ không cảm thấy căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hằng ngày, và với tâm lý lành mạnh như vậy, sức khỏe thể chất của họ đương nhiên sẽ tốt hơn lên một cách rõ ràng. Trên thực tế những người làm công việc mà không yêu thích, bị áp lực bên ngoài đè nén, không cảm nhận niềm vui hay hạnh phúc, khi đó thường mệt mỏi, thiếu sức sống, sức khỏe yếu, hay bị các loại bệnh từ bệnh vặt cho đến thậm chí là bệnh nghiêm trọng. Sức khỏe tâm lý có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe thể chất là một điều mà thời đại ngày nay đã được giới chuyên môn chứng minh.
Nếu hiện tượng như vậy có thể xảy ra với một người trưởng thành, vậy thì tại sao lại không có thể xảy ra với một đứa trẻ? Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra ở đây không phải là: “Con tôi có vấn đề gì vậy?”, mà câu hỏi thật sự là “Con tôi đã được ở trong một môi trường phù hợp cho sự phát triển bình thường của tạo hóa hay chưa?”; và để tìm câu trả lời, bạn hãy rất cẩn thận soi chiếu lại xem chính mình hay những người khác xung quanh con đã có hiểu biết đúng về cách tạo ra môi trường đúng cho sự phát triển của trẻ nhỏ chưa?
Tin không vui cho lắm rằng những hiểu biết này không phải tự nhiên mà ta biết được, nếu không quan tâm học hỏi, ta thường nuôi dạy trẻ trong sự mù mờ, cứ làm theo những định kiến truyền thống và bỏ mặc nhu cầu tự nhiên của trẻ. Nhưng tin vui rằng, những hiểu biết này hoàn toàn có thể học được và thật sự sẽ mang lại kết quả phi thường.
Casa mia Montessori
Nguồn thông tin: Citizen of the world, Maria Montessori.