Bạn đã nghe về Montessori và bạn quyết định muốn biết thêm về nó. Những việc đầu tiên: Bạn google từ “Montessori” và tên của địa phương nơi bạn sống, (nhân tiện, cảm ơn Larry và Sergey đã lập ra Google giúp chúng ta thật dễ dàng trong việc này, họ cũng từng học Montessori khi còn là trẻ em). Bạn sẽ tìm thấy một danh sách các trường Montessori. Vậy bây giờ thế nào?
Làm thế nào để bạn biết trường Montessori nào là phù hợp với gia đình bạn?
1.TÌM HIỂU VỀ SỰ CÔNG NHẬN CỦA NHỮNG TỔ CHỨC UY TÍN:
Montessori là một thuật ngữ không phổ biến, và nó có thể được sử dụng bởi bất kỳ tổ chức nào dù có hoặc không có sự giám sát chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều trường học Montessori tìm kiếm sự công nhận thông qua một hoặc nhiều tổ chức cấp quốc gia được tín nhiệm. Quá trình công nhận trường Montessori sẽ chứng thực những tiêu chuẩn về sự chuẩn bị của giáo viên, cấu trúc môi trường, độ tuổi của trẻ, vai trò của phụ huynh, điều kiện vật chất có sẵn, và hơn cả, là để xác định “chất Montessori” của một trường cụ thể. Quá trình cung cấp sự công nhận này kéo dài và tốn kém về cả thời gian và chi phí, vì vậy không phải tất cả các trường đều tìm đến giải pháp được công nhận tiêu chuẩn, nhưng đó là một cách kiểm tra nhanh chóng để thấy được rằng liệu ngôi trường mà bạn đang cân nhắc có được xem xét chặt chẽ bởi một tổ chức chứng thực Montessori quốc gia hay không.
(Casa mia xin bổ sung rằng tại Việt Nam hiện nay, chưa có tổ chức nào có thể thực hiện việc công nhận tiêu chuẩn của một trường Montessori).
2.TRUY CẬP TRANG WEB CỦA TRƯỜNG.
Những hình ảnh và ngôn từ mà một ngôi trường sử dụng để thể hiện cho những giá trị của mình sẽ rất quan trọng. Hãy cẩn thận với những câu nói thu hút sự chú ý. Hầu hết những ngôi trường sẽ tự mô tả mình như là “chú tâm đến các nhu cầu của một đứa trẻ toàn diện”, hoặc sử dụng cách tiếp cận “lấy trẻ làm trung tâm”. Đây là những từ ngữ phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, không có nhiều ý nghĩa cụ thể. Thay vào đó, hãy nhìn vào những ví dụ về cách mà ngôi trường đó giải quyết những nhu cầu của một đứa trẻ toàn vẹn. Trang web có tập trung hoàn toàn vào những kết quả học thuật của chương trình hay không, hay có phải nó bao gồm những chi tiết về cách trẻ em tham gia vào một loạt các trải nghiệm phong phú của cuộc sống? Có những hình ảnh nào trong sân trường cho phép bạn biết trẻ có bao nhiêu thời gian hoạt động ngoài trời hay không? Những hình ảnh trong lớp học có minh họa cho một môi trường ngăn nắp, đơn giản và mang tính thẩm mỹ không? Nếu có lịch trong một ngày trên trang web, nó có bao gồm một chu kỳ làm việc kéo dài mà trẻ em không bị gián đoạn trong lớp học hay không? Mặc dù website không được thiết kế bởi chính cùng những người đảm nhiệm việc chăm sóc trẻ em, nhưng chính họ đã đóng góp những thông điệp thể hiện trong đó. Hãy sử dụng sự thể hiện của trang web để thể có những cảm giác ban đầu về cách mà một ngôi trường miêu tả về chính mình.
3.THAM QUAN TRƯỜNG THỰC TẾ.
Hãy yêu cầu một buổi tham quan trường trong khi trẻ có mặt ở trường. Bạn có nhìn thấy trẻ em tích cực tham gia vào các hoạt động của mình? Bạn có nhìn thấy một môi trường trật tự mà bạn phải tìm xung quanh mới nhìn thấy giáo viên hay không? Bạn có thấy những học cụ đẹp mắt mà trẻ có thể trực tiếp sử dụng bằng đôi tay, hay những món đồ chơi truyền thống và những thứ để trẻ chơi khác để lộn xộn trong không gian? Trẻ em có thể hiện cảm giác yên tâm và nói chuyện với nhau một cách thoải mái hay không? Môi trường có toát ra sự ấm áp và chào đón hay không? Người giáo viên dẫn dắt bạn trong chuyến tham quan có am hiểu về Montessori và có thể mô tả những gì bạn nhìn thấy trong lớp học Montessori hay không? Trong lớp học có bao gồm nhiều giáo cụ và học cụ đa dạng hay không? Bạn nhìn thấy có trẻ thì làm việc độc lập, có các trẻ thì lại làm theo cặp, hay theo những nhóm nhỏ và có trẻ thì đang làm việc cùng với giáo viên, hay không?
4.HÃY DÀNH THỜI GIAN SUY NGHĨ ĐỂ ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI CHẤT LƯỢNG.
Tỷ lệ luân chuyển trung bình của các giáo viên như thế nào? Có bao nhiêu giáo viên có chứng nhận được đào tạo Montessori? Có bao nhiêu trẻ trong mỗi lớp? Họ có phải thực sự là một lớp học trộn độ tuổi với chu kỳ 3 năm tuổi liền kề nhau cùng trong một môi trường? Bao nhiêu trẻ năm thứ ba ở lại trường? Trường báo cáo về tiến độ và sự phát triển của trẻ cho phụ huynh như thế nào? Nếu trường cung cấp bữa ăn trưa, chương trình chăm sóc trẻ trước giờ làm việc, hoặc sau giờ làm việc, thì những lúc này cách thức vận hành có thống nhất với triết lý Montessori hay không? Cách thức trường thực hiện việc kỷ luật như thế nào? Trẻ em ở trường thường làm gì trong kỳ nghỉ hè? Những trường học nào mà trẻ sau khi đã tốt nghiệp ở đây có thể vào học tiếp? Ai sẽ thay thế trong lớp học khi giáo viên vắng mặt? Những mong đợi liên tục cho sự phát triển chuyên môn của những giáo viên là gì? Trường có các chương trình giáo dục cho phụ huynh hay không và bao lâu thì được tổ chức?
5.YÊU CẦU ĐƯỢC NÓI CHUYỆN VỚI PHỤ HUYNH ĐÃ GHI DANH CHO CON HỌC HOẶC PHỤ HUYNH CỦA NHỮNG CỰU HỌC SINH.
Cộng đồng phụ huynh ở đây như thế nào? Phụ huynh có thể tiếp cận giáo viên dễ dàng không? Cộng đồng gắn bó với nhau như thế nào? Sự tương đồng trong tư tưởng của phụ huynh ra sao? Các gia đình thường xu hướng gửi nhiều con đến chung trường này hay không? Phụ huynh có cảm thấy được chào đón trong lớp học hay không? Phụ huynh miêu tả như thế nào về những giai đoạn gặp khó khăn của trường (trường học nào cũng có những lúc như thế!)? Những câu hỏi của phụ huynh được tiếp nhận như thế nào?
6.TỰ HỎI VỀ CẢM NHẬN CỦA BẢN THÂN TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU TRƯỜNG.
Mặc dù Montessori là một phương pháp phù hợp với tất cả trẻ em, nhưng không phải tất cả mọi cộng đồng trường học đều phù hợp với tất cả các gia đình. Bạn sẽ tìm thấy nhiều sự khác biệt lớn trong cảm nhận của mình về các trường. Đừng ngần ngại rời khỏi một ngôi trường khiến bạn cảm thấy không phù hợp với những giá trị hoặc những điều mà bạn nghĩ sẽ cần thiết với con bạn, cho dù đó là một chương trình uy tín đi chăng nữa. Tương tự như thế, đừng e ngại khi đăng ký vào nơi có chương trình bạn cảm thấy phù hợp một cách hoàn hảo chỉ vì môi trường của nó có thể không đẹp đẽ hoặc bóng loáng như những ngôi trường khác. Mối quan hệ bạn xây dựng với ngôi trường của trẻ sẽ phải trải qua những lúc không dễ dàng như khi có thách thức trong sự phát triển của con bạn (tất cả chúng ta đều gặp điều này!), hoặc những thay đổi trong cấu trúc gia đình, thông qua những lúc bạn không đồng ý về những chính sách của trường hoặc lúc bạn không đồng ý về hình thức kỷ luật, hoặc hoạt động hoặc bất cứ vấn đề nào khác như của bất kỳ cộng đồng nào của con người. Khi những thách thức đó xảy đến, và chắn chắn chúng sẽ xảy ra, bạn sẽ giải quyết một cách trung thực và thẳng thắn hơn nếu đã có sẵn một mối quan hệ tin cậy và đầy sự tôn trọng. Hãy tìm một ngôi trường mà bạn cảm thấy thoải mái ngay cả khi mọi thứ không hoàn hảo. Hầu như chẳng bao giờ có ai trong chúng ta là hoàn hảo cả!
Việc này đòi hỏi rất tốn thời gian, vâng. Nhưng chắc chắn là chúng rất đáng giá.
—–
Dịch bởi: Casa mia Montessori.
Link gốc bài viết: